Thế giới đang chìm ngập trong nhựa như thế nào chắc ai cũng biết. Nhưng việc bao bì hàng ngày chúng ta xài hầu hết đi thẳng đến các bãi chôn lấp, rò rỉ ra ngoài môi trường: trên các cánh đồng, chìm vào đại dương lớn ở mức độ lớn như thế nào không phải ai cũng quan tâm.
Việt Nam đang là một trong 04 nước dẫn đầu thế giới về rác thải nylon ra biển. Phần nhiều như các bạn thấy, đến từ chính các loại bao bì sàn phẩm gia dụng. Có đến 80% lượng nhựa trong rác thải bị chôn lấp mà không qua một bước xử lý nào. Tỉ lệ nylon được thu hồi tái chế vô cùng nhỏ nhoi, chỉ 20% tại nước ta. Đối với giấy, tỉ lệ cũng chỉ cao hơn một chút 40% thu hồi và tái chế.
Không thể phủ nhận các giá trị không thể thay thế của nhựa/plastic trong ngành bao bì như giá thành rẻ, vận chuyển dễ, bảo quản dễ, sản xuất in ấn đều có thế mạnh. Tuy vậy, lạm dụng và không tính đến các phương án để thu hồi bao bì lại là chuyện khác. Mặt khác, trong giai đoạn bùng nổ các app mua sắm, giao đồ ăn, bao bì lại càng bùng nổ. Thói quen gói hàng với nhiều lớp nylon, bọc xốp rất khó thu hồi và điểm đến cuối sẽ vẫn lại là đại dương. Có thể, với các doanh nghiệp, đây chưa phải là vấn đề cần quan tâm, tối ưu chi phí vẫn là ưu tiên hàng đầu. Nhưng như thế không có nghĩa là hoàn toàn không có cách, quan trọng là chính các doanh nghiệp có thực sự muốn thay đổi hay không.
Vậy, đâu là giải pháp cho bao bì và phát triển bền vững?
LESS IS MORE
Hãy xem ví dụ về chai nước nhựa sau tại Nhật Bản, mặc dù tỉ lệ tái chế của Nhật là crazy high nhưng họ vẫn xem nhựa là vấn đề cần giải quyết. Ở nhãn hiệu nước giải khát Asahi này, họ bỏ qua không in nhãn nhựa như thường thấy nữa vì phần này thường rất khó được thu hồi tái chế. Tất cả thông tin cần thiết in trên nắp và tag seal. Các thông tin khác sẽ có đầy đủ trên thùng carton lớn chứa các chai.
THAY THẾ VẬT LIỆU NHỰA
Một ví dụ nữa về cách đóng gói thực phẩm hạn chế nylon. Với việc sử dụng giấy và tận dụng chính vẻ đẹp của giấy. Có thể bạn đã biết, ngay cả giấy khi đưa vào tái chế, tỉ lệ mực in càng ít, càng sáng màu thì càng dễ tái chế, ít hóa chất để xử lý hơn. Ngay cả những chi tiết nhỏ có sự hiện diện của nylon, như lớp màn cửa sổ trên hộp cũng nên được loại bỏ.
TẬP TRUNG VÀO CÔNG NĂNG SỬ DỤNG
Một ví dụ mà ai cũng dễ thấy lãng phí nhất chính là các hộp bánh trung thu hết sức cầu kỳ hàng năm. Ai cũng biết, chất lượng bánh đa phần na ná nhau, các thương hiệu cạnh tranh người mua bằng chiếc hộp. Dĩ nhiên, để phục vụ nhu cầu biếu tặng rất khó để thay đổi. Những chiếc hộp rất mắc tiền, đôi khi lại không thể tái chế do quá nhiều lớp lang vật liệu. Cách làm cho nó bớt lãng phí chỉ có thể là cho nó thêm công năng, để vòng đời sử dụng kéo dài ra.
Một ví dụ cho hộp sành sứ rất tập trung vào công năng: được thiết kế để định hình và giữ chén dĩa đúng chỗ trong hộp. Không thừa!
Dưới đây chính là ví dụ hoàn hảo cho việc tạo thêm công năng của bao bì. Chiếc hộp TV SamSung có in sẵn pattern để người dùng có thể dễ dàng biến nó thành một căn nhà giấy bìa cho thú nuôi. Vừa sáng tạo mà cũng rất thực tế. Thời ad còn bé, những cái thùng máy này thường được tận dụng hết mức trong gia đình để quần áo, đồ đạc chứ không dễ dàng bỏ đi như hiện nay.
TỒNG KẾT LẠI,
Bao bì phù hợp với phát triển bền vững chắc chắn là xu hướng bắt buộc trong tương lai.
Trong một khía cạnh nào đó, bao bì thiết kế tối ưu, giảm thiểu chi phí, hạn chế tối đa sử dụng các phần vật liệu nhựa khó thu gom cũng đã là một nỗ lực hướng đến bền vững. Câu chuyện còn ở cả phía khách hàng, để họ có sự quan tâm đến phát thải môi trường cũng không phải nhanh chóng được. Các tập đoàn hàng tiêu dùng lớn hiện nay cũng đang phải có nhiều chương trình thu gom bao bì đã qua sử dụng, tái chế nhằm hạn chế tác động đến môi trường. Còn các công ty vừa và nhỏ như chúng ta thì sao?
Và cả khuynh hướng và lựa chọn của chính bạn, khi là một người tiêu dùng nữa? Liệu bạn có chọn thay đổi?