Bạn đã thấy hàng trăm bài viết về các cách để có một hồ sơ năng lực một cách ấn tượng và thuyết phục. Nhưng ít có ai nói về những điều làm cho profile trông tệ hại và hoàn toàn vô ích. Một cách chủ quan, đôi khi chủ doanh nghiệp hay bộ phận bán hàng soạn ra một cuốn hồ sơ năng lực / profile công ty theo cách nghĩ của mình và cho rằng như thế là đẹp và đầy đủ. Tuy nhiên, thành quả đôi khi lại là một chuyện khác.
Theo tôi, có 10001 cách để bạn làm hỏng một thiết kế. Các cách đó có thể phân nhóm lại như sau:
1. CẤU TRÚC LỦNG CỦNG, THIẾU HOẶC QUÁ NHIỀU THÔNG TIN
Muốn trở nên thất bại trong việc tranh thầu, bạn cứ viết lan man dài lê thê từ mục này sang mục nọ mà thiếu một câu chuyện kết nối. Một cuốn hồ sơ năng lực có cấu trúc lộn xộn sẽ làm người xem thấy lạc giữa rừng thông tin chi chít chữ nhưng không có điểm nhấn cụ thể. Điều này sẽ làm họ nhanh chóng thấy mệt mắt và bỏ qua các phần giới thiệu. Và như thế, bạn thành công trong việc làm lãng phí chi phí in ấn, thời gian chuẩn bị.
Mục đích của profile là “nói” một cách súc tích về công ty đến khách hàng qua các khía cạnh: quá trình thành lập, năng lực, lĩnh vực hoạt động, sản phẩm, nhân sự, kinh nghiệm… Tuỳ vào từng hoàn cảnh và quy mô của công ty mà sườn của profile sẽ thay đổi, nhưng quan trọng là phải giới thiệu được những điểm cốt lõi và các thế mạnh của công ty.
Sự thật là rất ít người bỏ thời gian đọc hết tất cả những gì bạn viết. Vì vậy, ngắn gọn – đi vào trọng tâm là cách an toàn để không thất bại. Dĩ nhiên, nếu ngắn gọn đến mức người xem không có thêm được thông tin gì có lợi thì cũng hỏng bét.
2. THIẾT KẾ RỐI RẮM, KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN THẨM MỸ
Ngạn ngữ Pháp có câu “des goûts et des couleurs, on ne discute pas” nghĩa là không nên tranh luận về gu và màu sắc. Như thế là về mặt thẩm mỹ, rất khó để khẳng định thế nào là đẹp vì nó còn tuỳ thuộc vào background và cảm thụ riêng của cá nhân. Tuy vậy, một thiết kế có thể trở nên rối rắm và vô nghĩa hay xấu so với gu số đông nếu bạn phớt lờ các quy luật thị giác/thiết kế.
Đôi khi để tiết kiệm ngân sách, bạn tìm đến những designer có chi phí cực thấp với những mẫu thiết kế cóp nhặt và thiếu kiến thức nền tảng về màu sắc, bố cục. (Dĩ nhiên, tôi không có ý “vơ đũa cả nắm” các designer giá rẻ). Kết quả bạn nhận được đôi khi làm bạn hài lòng nhưng chưa chắc đã gây ấn tượng được số đông. Quan trọng hơn cả, thiết kế đó liệu có phản ánh được những đặc điểm, hay “tuyên ngôn” mà công ty bạn hướng đến không. Để dễ hình dung điều tôi nói, bạn cứ nghĩ đến từ khoá “hiện đại” trong một bố cục xưa cũ đi. Có thể bạn sẽ lại thắc mắc “thế nào là bố cục xưa cũ”, muốn biết và tránh các sai lệch hãy tìm đến những công ty có chuyên môn. Ohha chẳng hạn.
3. HÌNH ẢNH KÉM CHẤT LƯỢNG
Profile hay Hồ sơ năng lực là tài liệu thuyết phục khách hàng qua các hình ảnh các công trình/ sản phẩm đã thực hiện. Người ta có khuynh hướng bị thu hút bởi hình ảnh hơn là nội dung. Vì thế, nếu muốn thất bại, bạn cứ hãy dùng đến những ảnh copy từ mạng (vỡ ra khi in), hình ảnh mờ mịt tự chụp từ điện thoại di động ..v.v hay dùng hình stock một cách đơn giản vì hình đó trông đẹp đẹp và bạn thích.
Hình ảnh sẽ trở nên ấn tượng và thuyết phục hơn khi nằm trong một tổng thể câu chuyện, có ý nghĩa và cấu trúc rõ ràng. Thế nên để thất bại, cũng không cần phải quan tâm xem nội dung mà hình ảnh đó minh hoạ sẽ là gì.
4. IN ẤN – THÀNH PHẨM KHÔNG ĐẠT CHẤT LƯỢNG
Thiết kế có thể đẹp trên màn hình nhưng nếu bản in đến tay khách hàng được in nhoè nhoẹt, sai chính tả hay lem màu thì mọi ấn tượng đều có thể trở nên sai lệch. Đôi khi, chất liệu giấy, cách thành phẩm xử lý sau in cũng có thể tự kể một câu chuyện.
Tóm lại, dĩ nhiên tôi không có ý giúp bạn trở nên thất bại trong việc chuẩn bị Profile công ty cho các dự án sắp tới. Nhưng note này cũng hi vọng sẽ làm bạn hình dung được những điều nên tránh với sự giúp sức của người làm chuyên môn. Chúc bạn thành công!